Chiều nay nhong nhong xe đạp, trên con đường xa lắm đến trường. Đường xa đầy nắng, gió và bụi. Có lẽ Bảo Lộc là thành phố, nên cái ảnh hưởng của đô thị, của những khói xe, những tiếng còi inh ỏi, mấy thứ khó chịu đó không thể không làm cho những ai đi xe đạp như tôi khỏi phiền trách.
Trời vẫn nắng.
Tôi chẳng thích mấy chiếc xe tải đi sát sạt sau lưng lâu lâu " BEP BEP" vài tiếng thật lớn. CÒn may là tôi chưa té xe vì giật mình. Đường đã cũ rồi, ổ gà, tai nạn giao thông nhiều mà sao xe tải, xe công-tai-nơ ngày một nhiều. Con đường Nguyễn Văn Cừ bé lắm, bé như tuổi thơ tôi vậy. Nhớ ngày ấy,lèo tèo vài thằng nhóc con đi học giáo lý. Mấy thằng nhóc ấy có tôi. Chúng tôi cố tình đi thật chậm để đợi xe có cái " xe to " nào đi qua để mấy cu cậu hét lên với nhau rằng:" Ê mày xe to kìa". Rồi " tao thấy trước", " tao thấy trước nhé". Cũng có khi " xe đấy của tao, ai cho mày giành" và nhiều lắm. Rồi trong lúc cãi nhau chiếc xe lại đi qua mất.
Từng đứa đổ tội cho nhau vì lý do này lý do kia để cho cái xe chạy mất. Chúng nó thất thểu đến nhà thờ mà lòng tiếc vời vợi.
Chiếc xe to ngày xưa có giá thế.
Bây giờ, có nhiều xe to quá, ồn ào quá, ước gì chúng rủ nhau đi đường khác, đường chỉ dành cho nó đi, như mấy con quỷ nhập vào đàn heo mà lao ù xuống biển trong Kinh Thánh.
Bóng tôi in lên thềm đường.
Chẳng còn nữa. Những ngày rủ nhau ra nhà trẻ hái giái mít về chấm mắm me. Những ngày vác cái cần dâm bụt cỏn con đi câu tắc kè. Nghĩ lại cũng thấy tội nghiệp con vật hèn mọn này. Người ta cứ bảo bắt tắc kè cho nó ăn sương thì nó cũng sống được. Tôi thấy đâu có phải vậy đâu, bắt được con nào cột dây dù con đấy. Cứ thế thả dầm sương đêm mấy ngày, hên thì nó còn ốm yếu co quắp mà ở lại với mình mà xui thì nó bị mèo ăn, chim ăn hay " bức xúc" quá con tắc kè cắn đứt dây bỏ chạy. Hè hè, mất tắc kè riết đâm ra tức nó. Có một lần bắt được một con to lắm, tôi và anh tôi đem ra hàng rào sau nhà nướng chín lên rồi để đấy. Khổ nỗi có biết thịt nó ngon đâu, bởi vậy khi còn bé tẹo bán cho người ta hai con có một ngàn, đủ mua gói bánh. Thế là hạnh phúc.
Bây giờ lớn rồi, đi học đi hành và sắp sửa bị thầy cô " đuổi" ra khỏi trường.
Vẩn vơ nhìn mấy đứa nhóc!
Một em nhỏ:
_ À cố ra xị! Há! Ta là siêu nhân gao đây.
Thêm một đứa:
_ Ta là Ô-ru-ku đây hehehehehe.
Tiếng cười của chúng nó, tuy bắt trước người ta nhưng đâu có gian hiểm ngược lại rất sảng khoái.
Muốn trở về tuổi thơ, nơi cánh diều giấy bay loạng quạng vì kẻ làm nó không có tay nghề. Muốn trở về tuổi thơ, nơi những con quay cứ lòng vòng để rồi lâu lâu lại có tiếng"một lỗ, một chẻ!" , và ở đấy có những viên bi leng keng va vào nhau.
Ở đấy có tiếng mẹ rủa" thằng bố mày, suốt ngày chỉ biết lêu lổng" và cả những tiếng khóc chẳng mấy oan ức. Bọn trẻ con nó vậy, đi tắm suối, nghịch đất, oánh nhau là thế nào về chẳng bị một trận.
Và muốn trở về tuổi thơ, nơi sự hồn nhiên trần ngập tâm tư, nơi ta chưa biết rung cảm trước một người con gái.
Chỉ biết cây chuối, cây bồng bồng, cây ổi. Biết con gà, con chó, biết bẻ lá cà phê làm mộ cho con ve chết
kèm theo tiếng giả bộ khóc lóc om sòm.
Nhà người ta ở bây giờ cao quá.
Quê hương ta ngày một đổi mới, đất nước ta cũng vậy. Tìm đâu những giá trị truyền thống còn nguyên vẹn chứ. Bây giờ ai nói chuyện cũng pha pha một chút tiếng tây vào cho nó oai. Đi đến đâu tôi không thể tránh khỏi những con người thích thể hiện, thích cái gọi là mô-đen thời thượng. Quần áo người ta mặc khác, vá chỗ này vá chỗ kia và bảo đó là phong cách mới. Thiếu vải cũng bảo là sành điệu, hiện đại. Thật, không hẳn là như thế. Một người con gái đẹp là một người biết giữ lấy vẻ đẹp của mình, biết trân trọng và gìn giữ nó. Làm cho nó trở nên giá trị và là chuẩn mực cho bản thân. Mấy ai trong chúng ta không có thiện cảm với chiếc áo thiếu nhi thánh thể, với bộ áo dài Việt Nam chứ?
Nắng quá, đúng như cái nắng mà trong truyện Nguyễn Nhật Ánh hay nhắc tới. Nắng đến oi ả, mấy con chó trước nhà người ta thi nhau lè lưỡi để giảm thân nhiệt. Nhưng cũng " chiều chiều rồi một chiều êm ả như ru
và thoảng qua gió mát". Nó nóng đến nỗi
thể so sánh với Sài Gòn, Xuân Lộc, Gia Kiệm hay một nơi nào đó ở miền dưới. Vì trái đất đang nóng dần lên.
Nhiều sự thay đổi quá, nhưng ta vẫn còn những sáng đi lễ kêu rét cùng làn sương dày đặc che kín lối đi. Vẫn còn đó những đêm Giáng Sinh lạnh đến kinh hồn, buổi đi rước Chúa hài đồng mà tay cứ run run. Để rồi mượn được chiếc khăn, quàng lên cổ và hài lòng: "ấm thiệt!". Nhìn ánh mắt thích thú và hài lòng có lẽ người cho mượn cũng chẳng nỡ đòi lại. Và vẫn còn những đêm cùng nhau chơi đàn ghi-ta, cùng hát và cùng kể về những kỷ niệm đã qua.
Và rồi hết nắng, tôi bước vào lớp học, mồ hôi nhễ nhại, than: " mệt quá bồ ơi, cho tao mượn cái quạt xíu, lát nữa tiết Toán tui trả lại cho".