Phỏng vấn Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, về lễ phong Chân phước cho Đửc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Ngày 14-1-2011 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cho phép công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Sắc lệnh nhìn nhận phép lạ cuộc khỏi bệnh Parkinson một cách lạ lùng của nữ tu Marie Simon Pierre Normand, người Pháp, xảy ra 2 tháng sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời. Trong Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 16-1-2011 Đức Thánh Cha cũng báo cho tín hữu biết ngày mùng 1-5 tới đây, lễ kính Lòng Thương Xót Chúa, ngài sẽ chủ sự lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II.
Nữ tu Simon Pierre Normand, thuộc Dòng Tiểu Muội Bảo Sanh Công Giáo, được các bác sĩ điều trị chẩn bệnh và xác nhận bị bệnh Parkinson năm 2001. Chị được chữa trị theo y khoa, nhưng chỉ giảm đau mà không lành. Khi nghe tin Đức Gioan Phaolô II người cũng bị bệnh Parkinson qua đời, nữ tu Simon Pierre cùng các chị em trong dòng bắt đầu cầu khấn xin Đức Cố Giáo Hoàng chữa trị cho chị. Ngày mùng 2 tháng 6 năm 2005, mệt mỏi vì bị những đau đớn đè nặng, chị Simon Pierre xin Bề trên cho phép rời bỏ công việc, nhưng Bề trên khuyên chị tiếp tục tín thác nơi lời chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô II. Chị Simon Pierre lui về phòng và ngủ một đêm yên hàn. Khi tỉnh đậy, chị cảm thấy được khỏi bệnh. Những đau đớn biến mất và các khớp xương không còn bị cứng nữa. Đó là ngày mùng 3 tháng 6 năm 2005, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chị Simon Pierre đi gặp bác sĩ trị liệu, và ông xác nhận chị được lành bệnh.
Hồ sơ khỏi bệnh của nữ tu Marie Simon Pierre Normand đã được điều tra đúng thủ tục, cùng với các giấy chứng nhận giám định y khoa, pháp luật, đã được Hội đồng y khoa của Bộ Phong Thánh cứu xét ngày 21-10-2010. Các chuyên gia đã đồng thừa nhận rằng cuộc khỏi bệnh của nữ tu Marie Simon Pierre không giải thích được về mặt khoa học. Các cố vấn thần học, sau khi xem xét các kết luận y khoa, đã thẩm định việc khỏi bệnh về phương diện thần học ngày 14-12-2010, và đồng thanh nhìn nhận sự chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô II là hữu hiệu đưa tới việc khỏi bệnh lạ lùng nói trên.
Trong khi chờ đợi ngày trọng đại này, giới báo chí ước lượng sẽ có 2 triệu tín hữu từ khắp nơi trên toàn thế giới tuốn về Roma tham dự thánh lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II. Các chuẩn bị dời thi hài Đức Gioan Phaolô II từ hầm Đền Thờ Thánh Phêrô lên trên cũng đang được chuẩn bị. Hiện nay quan tài của Đức Gioan Phaolô II được chôn cất trong huyệt mộ đã chôn cất Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII trong 37 năm trời. Thi hài Đức Gioan XXIII đã được dời lên Đền Thờ và đặt trong lồng kính cho tín hữu kính viếng sau lễ phong chân phước cho người ngày mùng 3 tháng 9 năm 2000.
Quan tài của Đức Gioan Phaolô II sẽ được di chuyển lên nhà nguyện thánh Sebastiano, giữa nhà nguyện Pietà và nhà nguyện Thánh Thể. Cha Federico Lombardi, Phát ngôn viên Tòa Thánh, cho biết quan tài Đức Gioan Phaolô II sẽ không được mở ra và không cải táng, nhưng sẽ được để trong một hộc bên ngoài có gắn tấm bia bằng đá cẩm thạch khắc hàng chữ "Chân phước Gioan Phaolô II".
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, về lễ phong Chân phước cho Đửc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Tổng Trưởng, ngày mùng 1-5 tới đây Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được phong Chân Phước. Lý do nào đã khiến cho tiến trình điều tra phong thánh tiến hành mau lẹ như vậy?
Đáp: Thực ra, tiến trình điều tra phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II đã tiến hành nhanh chóng kỷ lục, có thể so sánh với tiến trình phong Chân Phước cho Mẹ Terexa Calcutta. Lý do gắn liền với hai sự chú ý đặc biệt. Thứ nhất là sự kiện Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chuẩn chước cho khỏi phải theo luật định của tiến trình xin phong chân phước. Vì theo luật định, thì phải đợi 5 năm sau khi qua đời mới được phép bắt đầu tiến trình mở án xin phong chân phước. Chính vì có sự chuẩn chước này nên năm 2007 đã có thể kết thúc giai đoạn cấp giáo phận của án phong. Chú ý đặc biệt thứ hai là Bộ Phong Thánh đã dành cho án phong này một con đường ưu tiên, không phải nằm trong danh sách chờ đợi. Chính vì thế lộ trình án phong chân phước đã đi nhanh hơn.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, tại sao Bộ Phong Thánh lại tạo dễ dãi không bắt phải chờ đợi như bao nhiêu án phong khác?
Đáp: Bộ Phong Thánh đã làm như vậy vì chú ý tới sự kiện án phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II được chia sẻ và từ khắp nơi trên thế giới có các thúc giục liên lỉ: từ các Hội Đồng Giám Mục, từ các Giám Mục, từ các tín hữu. Đó là chưa kể tới rất nhiều ơn, mà các tín hữu nhận được do lời bầu cử của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tiếp tục được gửi tới Bộ Phong Thánh. Ngoài hai sự kiện nói trên ra, tất cả mọi thủ tục của án phong chân phước đã được tiến hành một cách sít sao theo Giáo Luật, và còn sít sao hơn nữa, chứ không được giảm bớt bất cứ sự gì.
Hỏi: Sít sao hơn theo nghĩa nào thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Gương mặt vĩ đại của Đức Gioan Phaolô II đã được cứu xét rất nghiêm khắc, để thắng vượt các khó khăn có thể có, cũng như để lượng định tốt phép lạ được gán cho sự bầu cử của người. Chúng tôi đã cứu xét phép lạ bằng cách quy chiếu các nhận xét của các bác sĩ Pháp cũng như các bác sĩ Italia để thắng vượt mọi nghi ngờ và có được sự chắc chắn luân lý của sự kiện.
Hỏi: Trong số các khó khăn liên quan tới việc thực hành các nhân đức cũng đã có chuyện của linh mục Marcial Maciel, người sáng lập dòng Đạo Binh Chúa Kitô, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Bộ giáo Lý Đức Tin đã nhấn mạnh rằng Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không dính dáng gì tới khía cạnh đen tối của gương mặt nhân vật liên hệ.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, phép lạ có gặp các khó khăn đặc biệt nào không?
Đáp: Mặc dù có lẽ đã có một sự tò mò qúa đáng nào đó từ giới truyền thông xã hội, phép lạ đã được cứu xét một cách rất cẩn thận từ phía các bác sĩ Pháp cũng như các bác sĩ tại Roma.
Hỏi: Sự dễ dãi thứ hai mà Bộ Phong Thánh dành cho Đức Gioan Phaolô II có được dành cho các án phong chân phước khác hay không, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Tôi có thể nói rằng cả khi trong các mức độ khác nhau và theo từng trường hợp, Bộ Phong Thánh tìm cách dành ưu tiên cho các vụ xin phong chân phước đến từ các quốc gia đã từng phải sống dưới chế độ cộng sản, các quốc gia Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh. Không phải vô tình mà phân nửa các người tham dự các khóa huấn luyện các thỉnh nguyện viên án phong chân phước đến từ các vùng địa lý này.
Hỏi: Liên quan tới án phong chân phước cho các vị Giáo Hoàng Khác thì tình hình hiện nay ra sao thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Tôi có thể nói rằng Bộ Phong Thánh tiếp tục nhận được nhiều lời thỉnh cầu từ nhiều phía khác nhau liên quan tới án phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Pio XII, đến độ trong các ngày này tôi đang xem xét án phong này. Liên quan tới vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô I còn cần phải hoàn thành hồ sơ xin phong chân phước. Đối với các vị Giáo Hoàng khác thì phải theo lộ trình liên quan tới việc thừa nhận các nhân đức anh hùng và phép lạ.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, việc lựa chọn công bố sắc lệnh về phép lạ được gán cho Đức Gioan Phaolô II cùng với các sắc lệnh liên quan tới các án phong khác có ý nghĩa đặc biệt nào không?
Đáp: Không. Nó là việc bình thường của Bộ Phong Thánh thôi. Nếu có, thì có sự kiện Đức Thánh Cha đã tiếp kiến tôi ngay sau khóa họp bình thường của các Hồng Y và các Giám Mục của Bộ chấp nhận phép lạ, và tiếp tôi trước đối với tiết nhịp bình thường của các buổi tiếp kiến. Và điều này cũng là một dấu chỉ khác nữa nói lên sự chú ý của Đức Thánh Cha đối với án phong của Đức Gioan Phaolô II. Dĩ nhiên là cùng với trường hợp của Đức Gioan Phaolô II chúng tôi cũng lôi kéo sự chú ý của Đức Thánh Cha liên quan tới vài gương mặt khác nữa như: nữ tu Antonia Maria Verna, sáng lập viên dòng các nữ tu Bác Ái Ivrea và Giuseppe Toniolo, giáo sư đại học và là mẫu gương vô cùng thời sự của khuynh hướng công giáo xã hội.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Tổng Trưởng, sự kiện Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ đích thân chủ sự thánh lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II tại quảng trường Thánh Phêrô vào đúng ngày mùng 1 tháng 5 có ý nghĩa gì không?
Đáp: Ngày phong chân phước đã không do Bộ Phong Thánh quyết định, và đã được công bố trong sắc lệnh một cách đặc biệt. Việc chọn ngày mùng 1 tháng 5 thì cũng dễ hiểu thôi. Vì năm nay, trong ngày đó Giáo Hội mừng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa, là lễ đã do chính Đức Gioan Phaolô II thành lập. Tôi tưởng tượng ra rằng dân nước Ba Lan sẽ đặc biệt sung sướng về sự lựa chọn này: vì thánh nữ Faustina Kowalska vị tông đồ lớn của Lòng Thương Xót Chúa là người đồng hương của họ, cũng như vì đó là quốc lễ của Ba Lan. Thế rồi sự kiện chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chủ sự lễ phong chân phước cho vị tiền nhiệm của người cho thấy sự kính trọng và qúy mến sâu xa của hai vị đối với nhau.