WHĐ (19.12.2010) – Hôm thứ sáu 17-12 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp ông Francesco Mario Greco, đại sứ Italia tại Tòa Thánh, đến trình ủy nhiệm thư. Đây cũng là dịp Italia tái khẳng định những mối quan hệ lịch sử và văn hóa giữa Italia và Vatican.
Trong bài phát biểu, ĐTC nói ngài luôn cầu nguyện cho mọi chặng đường vui buồn của Italia, cũng như cho sự hòa hợp và thịnh vượng của quốc gia bán đảo đang trong thời điểm trải qua cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng này. ĐTC cũng chào mừng cuộc kỷ niệm 150 năm nền thống nhất đất nước Italia (1861) vừa mới bắt đầu, sự kiện tiêu biểu “trong giai đoạn lịch sử đương thời, của quốc gia và quốc tế”, được coi là khó khăn.
Nhắc lại lịch sử, ĐTC ca ngợi Italia trong suốt tiến trình hình thành Nhà nước, quốc gia này “đã tìm kiếm sự phân định đúng đắn và sự hợp tác tốt đẹp giữa các cộng đồng dân sự và tôn giáo”.
ĐTC nêu rõ: “Italia có một lịch sử và nền văn hóa mang đậm dấu ấn Kitô giáo, và khi những đặc trưng này trong quá khứ bị khước từ, bỏ quên hoặc bị gạt sang bên lề, thì liền phải chứng kiến sự mất cân bằng nghiêm trọng và những rạn nứt đau đớn trong đời sống xã hội của đất nước”.
Sau đó ĐTC nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước Latêranô và Thỏa ước Villa Madama “đã thiết lập sự quân bình đúng đắn trong quan hệ giữa Tòa Thánh, trong tư cách của một quốc gia, và Giáo Hội tại Italia. Những hiệp ước này không nói lên Giáo Hội hoặc Tòa Thánh có ý chiếm lấy quyền lực, đặc quyền hoặc lợi ích xã hội-kinh tế, cũng không muốn rời khỏi sứ vụ đặc biệt mà Thiên Chúa, Đấng thiết lập Hội Thánh, trao cho. Trái lại, những hiệp ước này đặt cơ sở nơi ý nguyện đúng đắn của Nhà nước nhằm bảo đảm cho công dân và Giáo Hội thực hiện được trọn vẹn quyền tự do tôn giáo, một quyền có chiều kích không chỉ của cá nhân, mà còn mở rộng đến gia đình, các tôn giáo và Giáo Hội. Nhà nước được kêu gọi bảo đảm cho các tín đồ được quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo…
Việc thực hiện đúng quyền tự do này cho phép xã hội tiếp nhận được những nguồn lực đạo đức và hoạt động quảng đại của các tín hữu. Vì vậy sẽ không thể hình dung được, muốn xã hội thực sự tiến bộ mà lại loại trừ nhân tố tôn giáo, như ngày nay, tại nhiều nơi, với nhiều cách thức khác nhau, hiện đang có xu hướng như vậy. Một trong những cách thức đó, có thể nêu ví dụ, là cố gắng loại bỏ việc trưng bày tại những nơi công cộng các biểu tượng tôn giáo, trước tiên là Thánh giá, biểu tượng tiêu biểu nhất của niềm tin Kitô giáo, đồng thời cũng nói với mọi người thiện chí, trong chừng mực nhất định, đó không phải là tác nhân gây ra sự phân biệt đối xử”.
Về vấn đề này, ĐTC cảm ơn Chính phủ Italia “Đã hành động phù hợp với quan điểm thế tục đúng đắn và dưới ánh sáng của lịch sử, văn hóa và truyền thống của mình, trong khi đó, một số xã hội cố gạt chiều kích tôn giáo sang một bên. Các thông tin gần đây cho thấy, hiện đang diễn ra những vi phạm quyền tự do tôn giáo. Đứng trước thực tế đáng buồn này, xã hội và chính quyền Italia đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với số phận của những người Kitô giáo thuộc thành phần thiểu số, vì giữ đức tin của mình mà phải hứng chịu bạo lực, bị phân biệt đối xử, buộc phải di cư”.
Kết thúc bài phát biểu, ĐTC nói: “Tôi mong rằng mọi nơi cũng sẽ nhận thức được vấn đề này, nhờ đó cũng sẽ tăng cường các nỗ lực, để mọi nơi và mọi người đều được thấy quyền tự do tôn giáo được tôn trọng đầy đủ. Tôi khẳng định Tòa Thánh đang dấn thân trong lĩnh vực này với sự hỗ trợ của Italia trên tầm quốc tế”.
Cũng nên nhắc lại, vào tháng Mười 2010, chính phủ Italia, với sự ủng hộ của hàng chục nước châu Âu, đã đưa ra lời kêu gọi Tòa án nhân quyền châu Âu rút lại phán quyết yêu cầu gỡ bỏ các tượng Thánh giá khỏi các lớp học công lập tại châu Âu.