I. LƯỢC SỬ:
1/ 1954-1975: Thời kỳ chiến tranh
– 1954: Biến cố di cư, hầu hết hàng giáo phẩm từ Bắc vào Nam. Các giám mục miền Bắc quyết định chuyển việc đào tạo linh mục vào miền Nam, với ý định là sau khi chịu chức, các linh mục sẽ trở về làm việc tại Miền Bắc.
– 1960: Thành lập hàng giáo phẩm. Việc đào tạo linh mục tại các Đại Chủng Viện được các cha thừa sai trao lại cho hàng giáo phẩm Việt Nam.
a) Miền Bắc
– ĐCV Hà Nội: năm 1954 các cha Xuân Bích Di cư vào Nam à Đại Chủng Viện Hà Nội trở thành Tiểu Chủng Viện Hà Nội do cha Phạm Đình Tụng là giám đốc.
– ĐCV Vinh: vẫn tiếp tục đào tạo linh mục, dù khó khăn và nhiều giới hạn.
b) Miền Nam
– Hầu hết các địa phận đều có Tiểu Chủng Viện.
– Thống nhất các ĐCV di cư từ Bắc vào Nam - Các thày thuộc các giáo phận miền Bắc sẽ gia nhập vào các giáo phận miền Nam.
– ĐCV Huế – ĐCV Sài gòn – Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt – ĐCV Vĩnh Long – ĐCV Tôma…
2/ 1975-1986: Việt Nam thống nhất – Thời kỳ “đóng cửa” và chuyển tiếp
– Trên nguyên tắc, hầu hết các ĐCV và TCV đều ngưng hoạt động.
– Nhưng các giáo phận vẫn tìm cách đào tạo: những lớp dự tu, những lớp thần học phân tán mỏng…
– Các ĐCV cũng cố tìm cách sinh hoạt: học và lao động
3/ 1986-2007: Thời kỳ ổn định với 6 Đại Chủng Viện
– 1986-1990: Nhà Nước chính thức chấp nhận 6 ĐCV: lúc đầu 6 năm chiêu sinh một lần, sau đó 2 năm chiêu sinh một lần. Số chiêu sinh bị giới hạn, tùy theo địa phương
– 1990-2007: Cứ 2 năm được chiêu sinh một lần, số chiêu sinh vẫn giới hạn.
1. ĐCV Hà Nội
2. ĐCV Vinh Thanh
3. ĐCV Huế
4. ĐCV Nha Trang
5. ĐCV Tp.HCM
6. ĐCV Cần Thơ
– Sau năm 2004: Lớp bổ túc được tổ chức tại ĐCV Nha Trang để hợp thức hóa những chủng sinh đã cao tuổi đã được đào tạo “âm thầm” trong nhiều năm trước đó tại các giáo phận. Có 2 khóa bổ túc đã được tổ chức cho hơn 140 chủng sinh cao tuổi.
3/ 2007- đến nay: Thời kỳ phát triển
– 2007: ĐCV Xuân Lộc, cơ sở II của ĐCV Thánh Giuse Sàigòn được thành lập
– Mỗi năm các ĐCV được chiêu sinh một lần, và số chiêu sinh “thoải mái” hơn.
II. NHẬN ĐỊNH:
1/ Ý thức tầm quan trọng “đào tạo linh mục” và “tổ chức Chủng Viện”:
GHVN qua các Giám Mục đã luôn ý thức “việc đào tạo linh mục” là vô cùng quan trọng. Nên trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, vẫn luôn tìm cách duy trì việc đào tạo.
Theo hướng dẫn của CĐ Vatican II, việc đào tạo linh mục luôn đi đôi với việc tổ chức Chủng Viện (x. OT 1): cụ thể là cơ sở và sinh hoạt của Chủng Viện luôn được các giám mục và cộng đoàn dân Chúa quan tâm một cách đặc biệt.
2/ Những sáng kiến của mỗi giáo phận và liên đới giữa các ĐCV:
Mỗi giáo phận với sự quan tâm của Giám Mục, tùy theo hoàn cảnh địa phương, đã luôn có những sáng kiến rất linh động, để duy trì công việc đào tạo linh mục: những lớp “dự tu đào tạo âm thầm”, những “lớp thần học” di động và theo nhóm nhỏ tại các giáo xứ…
Các cuộc họp các ĐCV để chia sẻ kinh nghiệm và đào sâu những hướng dẫn của Giáo Hội về việc đào tạo linh mục.
Liên đới, chia sẻ các giáo sư giữa các ĐCV
3/ Một số giới hạn
– Nhân sự (các nhà đào tạo và giáo sư): từ năm 1975 đến 1993, 18 năm đóng cửa, không có đào tạo thêm các giáo sư… Các cha giáo sư lớn tuổi dần dần qua đi. Năm 1993, một số cha trẻ được chấp nhận cho đi du học tại Paris và Roma… Có một khoảng trống hơn một thế hệ giáo sư… Hiện nay các giáo phận và các ĐCV đang từ từ bổ túc.
– Bản thân chủng sinh: là lớp trẻ được đào tạo trong nền văn hóa Xã Hội Chủ Nghĩa nói riêng và trong nền văn hóa tục hóa nói chung. Những chọn lựa và suy nghĩ theo những tiêu chuẩn của trần thế hơn là theo tiêu chuẩn phúc âm. Ví dụ: hai tiêu chuẩn hàng đầu để chọn lựa là lợi nhuận và hường thụ. Điều gì có lợi, có tiền là làm, bất chấp những tiêu chuẩn đạo đức (hàng giả, bằng giả, thuốc giả…). Tiếp đến, luôn đòi hưởng thụ, tiện nghi, tránh tối đa những vất vả, hy sinh… Vì thế chỉ trong thời gian 6, 7 năm tại Chủng Viện, rất khó uốn nắn một con người đã hình thành trong bầu khí tục hóa đã hơn 20 năm.
– Cơ sở: những cơ sở đào tạo xuống cấp và thiếu thốn… Hiện đang có chương trình tôn tạo và xây cất thêm.
– Thư viện, sách vở: giới hạn… Các ĐCV đang cố gắng xây dựng và bổ túc. Hiện nay nhờ có Internet và phương tiện truyền thông, có thể tham khảo được những văn kiện và tài liệu thời sự…
III. ĐỀ XUẤT CHO TƯƠNG LAI:
1/ Đường hướng đào tạo linh mục thống nhất:
Từ năm 2005, tình hình đã khá cởi mở… Các ĐCV dưới sự hướng dẫn cụ thể của Đức Cha Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng sinh đã bắt đầu soạn thảo Tài Liệu Hướng Dẫn Về Đào Tạo Linh Mục tại Việt Nam (Ratio Institutionis Sacerdotalis). Bản dự thảo đã trình cho HĐGM vào tháng 10/2007 tại Hà Nội. Đây là Ratio đầu tiên của Việt Nam, dự định sẽ kịp để được Tòa Thánh phê chuẩn và ban hành vào dịp Năm Thánh 2010.
2/ “Đào tạo toàn diện”
Đây là đường hướng lớn trong việc đào tạo linh mục tương lai tại Việt Nam. Việc đào tạo này nhấn mạnh đến 3 điểm:
a) Đào tạo linh mục bao gồm cả 3 thời kỳ
– Trước Chủng Viện: thời kỳ dự tu
– Tại Chủng Viện: thời kỳ đào tạo tập trung
– Sau Chủng Viện: thường huấn
c) Về nội dung, việc đào tạo linh mục bao gồm
– Đào tạo “động lực” hay ý ngay lành
– Đào tạo những khả năng thích hợp với đời sống linh mục dưới 4 chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ.
b) Công việc đào tạo linh mục là của toàn thể Dân Chúa. Dưới sự hướng dẫn của Giám Mục, các thành phần Dân Chúa (linh mục, tu sĩ, giáo dân) sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Mục Vụ Ơn Gọi (dự tu), Ban đào tạo tại Chủng Viện (chủng sinh), Ban Thường huấn của Giáo phận (linh mục)
3/ Những điều cần thiết phải lưu ý:
Để đáp ứng việc đào tạo toàn vẹn bao gồm cả 3 giai đoạn (trước, tại và sau Chủng Viện), cần lưu ý những điểm quan trọng sau:
a) Đào tạo nhân sự: đào tạo thêm cho đủ các giáo sư và nhà đào tạo cho cả 3 thời kỳ đào tạo. Đồng thời có chương trình bồi dưỡng, tu nghiệp cho các giáo sư và các nhà đào tạo.
b) Xây dựng cơ sở để có những điều kiện cần thiết cho việc đào tạo của cả 3 thời kỳ.
c) Lưu ý đến những tác động luôn thay đổi đến từ môi trường văn hóa, xã hội hôm nay luôn tác động đến việc đào tạo, đến người đào tạo và người được đào tạo.