LỄ KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Phần 1: Kinh Mân CôiNguồn gốc kinh Mân Côi là những bông hồng kết thành triều thiên, mà những tín hữu Bắc Âu thời Trung cổ đội lên đầu Đức Mẹ, trong những tiếng đàn ca và múa hát. Tiếc thay, ngày nay kinh Mân Côi đã trở thành một kinh đơn điệu nhàm chán và máy móc, mà chỉ có ông già bà già cùng những người đạo đức mới đọc, để ăn mày ân xá, còn giới trẻ và đặc biệt là phía đàn ông con trai, chẳng cảm thấy vui vì khi lần hạt.
Mặc dầu vậy, cứ đến tháng mười, các đấng các bậc trong Hội Thánh cũng lại hết lời khuyên bổn đạo “Hãy ăn năn sám hối và lần hạt Mân Côi”. Nhưng thực tế cho thấy ít có ai sám hối thật lòng, còn lần hạt thì cũng luôn luôn chỉ có mấy cụ già và người lớn tuổi. Ai không tin thì cứ thử làm một cuộc điều tra.
Trong khi đó vào tháng năm, thì người ta lại rầm rộ thi đua tổ chức Dâng Hoa. Rõ ràng là râu ông nọ cắm cằm bà kia. Vì đáng lẽ cái thứ “phụng vụ dân gian” này phải được kết hợp với kinh Mân Côi, thì mới đúng về nguồn gốc và ý nghĩa của nó.
Thật vậy, người Kitô hữu Bắc Âu, sống vào koảng từ thế kỷ XI tới XIII, vì không hiểu gì về phụng vụ bằng tiếng Latinh, nên đã sáng tạo ra một thứ phụng vụ dân gian, là sáng tác những bài ca bằng tiếng bản xứ, đôi khi rất lãng mạn và trữ tình, đồng thời kết những triều thiên hoa hồng, vừa đội lên đầu Đức Mẹ, vừa hát vừa múa.
Theo truyền thuyết thì có một anh lái buôn, vì phải đi rong ruổi đó đây, không thể tham dự những buổi họp mừng Đức Mẹ với anh chị em tín hữu, nên đã nghĩ ra cách đọc đi đọc lại những câu kinh mà ban đầu chỉ có lời chào của sứ thần Gabriel cộng với lời chúc mừng của bà Elisabeth.
Thánh Đaminh đã dùng cái nên tảng của lòng sùng kính này để xây dựng nên truyền thống suy niệm những mầu nhiệm cứu độ, bằng cách giảng dạy cho các tín hữu nghe biết về những biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu. Có thể nói, thánh nhân đã biến đổi một hình thức sùng kính chỉ có tính cách tình cảm trở thành một phương tiện loan báo Tin Mừng. Đối với thánh nhân, điều quan trọng không phải là múa hát hay đội triều thiên cho Đức Mẹ, mà là hái cho bằng được những bông hoa của ơn cứu độ từ cây hồng ân sủng được trồng trong vườn thiêng là cõi lòng Đức Trinh Nữ.
Chính nhờ nghe lời rao giảng mà người ta sám hối và tin vào Phúc Âm. Sám hối phải được liên kết với việc tin vào Phúc Âm, chứ không phải sám hối rồi chỉ đọc kinh. Đọc kinh mà không biết, không hiểu Tin Mừng thì làm sao đạt được niềm tin. Và không tin thì đọc kinh làm gì cho uổng công.
Bởi thế, cần phải bớt kinh, bớt việc làm của cái miệng, để tăng thêm việc làm cho trái tim, cho cái tâm. Thật ra thì sự suy niệm này đã được chính Đức Mẹ thực hiện và làm gương cho chúng ta. Thánh Luca đã ghi lại những hai lần thái độ của Đức Mẹ, đó là luôn để tâm suy niệm những biến cố liên quan tới Chúa Giêsu, người Con của Mẹ. Vậy thì đối với chúng ta, suy niệm những mầu nhiệm của Tin Mừng, đó chính là cách hữu hiệu nhất để hái được những bông hồng tươi thắm mà cài lên áo Mẹ hiền.