Hãy để Thánh Thần khơi dậy ngọn lữa đức tin trong lòng ta
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN - C
Kb 1: 2-3, 2: 2-4; Thanh vịnh 95; 2 Tm 1: 6-8, 13-14; Luca 17: 5-10
Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng lời thỉnh cầu của các tông đồ với Đức Giê-su, “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Tại sao các tông đồ lại cảm thấy thiếu thốn vào chính lúc này trong hành trình theo Đức Giê-su? Nghe có vẻ như các ông yếu ớt quá. Nếu chúng ta dành chút thời gian đọc những câu Kinh Thánh trước đoạn này, có lẽ chúng ta sẽ hiểu lý do tại sao các ông lại thỉnh cầu như vậy. Đức Giê-su vừa chỉ cho các môn đệ thấy được bản chất nghiêm trọng và hậu quả của việc gây gương mù khiến người khác phạm tội (“… Thà buộc thớt đá cối xay vào cổ nó mà đẩy xuống biển”). Sau đó, Ngài dạy họ về sự tha thứ họ phải có – ngay cả đối với những người có lỗi với với họ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi các ông buộc phải cầu xin, “xin gia tăng lòng tin cho chúng con.” Sau khi nghe những lời Đức Giê-su vừa nói, có lẽ chúng ta cũng phải thốt lên, “Lạy Chúa Giê-su, dù sao xin Ngài cũng gia tăng lòng tin cho chúng con luôn!”
Ai mà không cảm thấy thiếu thốn lòng tin khi nhận ra mẫu người Chúa Giê-su muốn chúng ta trở thành? Nếu, trong thế giới lúc nào cũng muốn báo thù này, chúng ta luôn sẵn sàng tha thứ ngay cả cho những người đã xúc phạm đến ta, khi đó chúng ta sẽ trở thành những môn đệ rất dễ thấy mà Đức Giê-su đã miêu tả ở những chỗ khác, “ là ánh sáng cho thế gian – một thành phố được xây trên núi.”
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã minh họa điều đức tin có thể thực hiện: Đức tin cỡ bằng hạt cải có thể làm cây dâu cắm rễ sâu trong lòng đất cũng phải bật gốc lên và quăng nó vào lòng biển. Vào lúc này trong cuộc hành trình, các môn đệ không xin Thầy mình một bản danh sách các học thuyết họ phải đón nhận và sống. Đức Giê-su đang dẫn các môn đệ của mình lên Giê-ru-sa-lem, dọc đường Ngài cũng tiên báo Ngài phải chịu đau khổ và chịu chết. Dầu vậy, Ngài luôn nhắc nhở họ phải tín thác nơi Ngài và phản ánh sự tín thác này bằng những cách thức đặc biệt. Ngài không chỉ nói tới cái đầu của họ, mà đòi hỏi họ phải hoàn toàn suy phục Thiên Chúa qua Ngài. Ngài nói với họ, số lượng đức tin nhiều ít không quan trọng. Dù sao đi nữa, làm sao chúng ta có thể đo lường đức tin theo cách nào đó? Ngài muốn chúng ta vững tin nơi Ngài và bước đi trong hành trình đời mình với sự xác tín rằng, trong Thần Khí của Ngài, Ngài vẫn luôn đồng hành với ta.
Đức tin giúp chúng ta có khả năng làm những việc phi thường. Nhưng Đức Giê-su không hy vọng chúng ta dùng đức tin để nhổ bật rễ cả một rừng dâu. Trái lại, phận vụ làm môn đệ hầu như đòi hỏi nơi chúng ta nhiều việc làm bình thường hơn. Chúng ta như người đầy tớ trong dụ ngôn, luôn được kỳ vọng hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Người đầy tớ thì có rất nhiều tài, vừa là người làm vườn vừa là người làm bếp! Chẳng phải đó là thái độ phục vụ Đức Giê-su muốn sao – nhiệm vụ đa năng. Qua dụ ngôn, các bạn có thấy rằng người môn đệ sẽ không “rảnh rỗi” một khi chúng ta bước theo đường lối của Đức Chúa và phục vụ trong danh Người.
Chẳng hạn, chúng ta thực hành vai trò làm môn đệ: vừa ở trong công ty vừa ở nhà; vừa dạy trong trường vừa tình nguyện làm việc trong một điểm phát lương thực từ thiện; trong những cuộc họp thương mại và như những thừa tác viên Thánh Thể; như những y tá và những gia sư dạy ngôn ngữ, … Chúng ta không thể đóng hộp đời sống Ki-tô hữu của chúng ta thành những danh mục gọn gàng được: ở đây tôi là một tín hữu thực hành, trong khi ở chỗ khác tôi nghỉ xả hơi và chỉ cần hòa nhập với đám đông mà thôi. Đức Giê-su cũng nói với chúng ta, ngay cả những môn đệ toàn thời gian, rằng chúng ta chỉ đang làm điều chúng ta phải làm mà thôi. Vì vậy, không có chỗ để khoác lác về những thành tựu và so bì chúng ta với người khác.
Ai trong chúng ta lắng nghe bài Tin Mừng hôm nay lại có thể làm điều gì khác ngoài việc trở thành người môn đệ dấn thân hoàn toàn. Chúng ta cũng chẳng thể chỉ vào một số Ki-tô hữu nổi trội trong cộng đoàn, trong Giáo Hội và nói, “Chúa Giê-su đã ban cho họ nhiều đức tin hơn tôi và vì vậy, họ chính là những người bài Tin Mừng hôm nay nói đến.” Ngài nói với chúng ta rằng, cho dù chúng ta có đức tin thế nào đi nữa, “hãy làm việc, làm những gì mình biết mình nên làm và tin tưởng rằng Ta sẽ luôn ở với con trong mọi nẻo đường con được mời gọi phục vụ.”
Có một lần tôi tham dự một lễ cưới. Một linh mục khác làm chủ tế. Cuối lễ vị linh mục này đã trao cho đôi vợ chồng một “nhiệm vụ”, thách thức họ “không được quên ngày phấn khởi này”. Ngài nói họ phải nhớ lời Thiên Chúa hứa sẽ ở cùng và trợ giúp họ trong suốt đời sống hôn nhân. Ngài cũng “trao nhiệm vụ” cho họ phải nhớ các linh mục hiện diện trong buổi lễ và lời hứa các linh mục hứa sẽ trợ giúp họ trong những năm tới.
Trong thực tế, vị linh mục buộc cặp vợ chồng phải luôn nhớ Bí tích họ mới cử hành và sẽ sống hết cuộc đời lứa đôi của mình. Khi cuộc sống thử thách mối tương quan của họ, như lời thánh Phao-lô, họ phải “khuấy ơn Chúa thành ngọn lửa…” Trong khi thánh Phao-lô nói những lời này cho Ti-mô-thê, người môn đệ trẻ của người, những lời này có vẻ thích hợp cho đôi vợ chồng trẻ này trong ngày cưới của họ - và cho chúng ta, những tín hữu tụ họp trong buổi cử hành Thánh Thể hôm nay. Chúng ta buộc phải nhớ lại lời Thiên Chúa đã hứa lần đầu tiên với chúng ta trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội: trong Đức Ki-tô Thiên Chúa sẽ đồng hành với chúng ta suốt hành trình cuộc đời. Những người hiện diện trong ngày đó, đại diện cho cộng đoàn Ki-tô hữu, cũng hứa trợ giúp chúng ta bằng việc nêu gương, lời cầu nguyện và đời sống chứng nhân của họ.
Thánh Phao-lô viết thư này khi còn trong tù và vì vậy ngài biết rằng, từ những kinh nghiệm gian khổ cá nhân, đời sống của Ti-mô-thê trong vai trò là người giảng thuyết Tin Mừng sẽ phải đón nhận những thử thách khốc liệt. Cho dù ơn gọi đời sống của chúng ta có là gì, mỗi người chúng ta cũng đều được ban những đặc sủng, những ơn để phục vụ, mà chúng ta được mời gọi để thực thi không chỉ trong lòng Giáo Hội mà cả trong lòng thế giới nữa. Như một ngọn lửa bừng cháy, những ơn này có thể giảm nhỏ xuống, nếu không được nuôi dưỡng. Vì thế, thánh Phao-lô muốn chúng ta chăm sóc ngọn lửa để nó bừng cháy lên trong chúng ta; khơi tro tàn lên, thêm nhiên liệu vào và quạt cho ngọn lửa bùng lên.
Nếu coi thánh Phao-lô như là một điển hình nào đó, thì việc sống và chia sẻ Lời Chúa qua lời và gương sống của chúng ta cũng sẽ rước lấy những đau khổ - sự chối từ thù nghịch, những lời châm chọc… Mỗi người chúng ta cần một ngọn lửa đức tin bừng cháy mạnh mẽ. Làm sao chúng ta đáp trả “nhiệm vụ” của thánh Phao-lô và “khuấy thành ngọn lửa” đức tin năng động được trao cho chúng ta trong ngày Rửa Tội? Chúng ta không thể tự làm điều này. Thánh Phao-lô gợi ra vài việc chúng ta có thể làm để giúp việc “khuấy lên” đức tin của ta. Trước hết và trên hết, Chúng ta có Chúa Thánh Thần ở với chúng ta và thánh Phao-lô nhắc chúng ta về sự trợ giúp Thánh Thần cư ngụ trong lòng có thể ban cho chúng ta – không chỉ như nguồn mạch đức tin, mà như nguồn năng lượng vô biên giúp chúng ta hành động dựa trên niềm tin đó, đặc biệt khi nó bị thách thức và chống đối.
Thánh phao-lô nói, vì Thánh Thần Thiên Chúa, chúng ta không được hèn nhát, và bị đè bẹp bởi những thử thách cuộc sống quăng vào chúng ta. Thay vào đó, chúng ta có thể với “niềm tin bằng hạt cải” hành động đầy “quyền năng, tình yêu và tự chủ.” Đây là những quà tặng của Thánh Thần được củng cố nơi bản thân mỗi người chúng ta hôm nay trong Thánh lễ này.
Làm sao chúng ta có thể “khuấy lên niềm tin của mình” trong buổi cử hành phụng vụ hôm nay? Chúa Giê-su đã miêu tả Thánh Thần như một cơn gió thổi đâu tùy ý. Vì thế, chúng ta hãy kêu mời Thánh Thần thổi hơi vào những cục than tàn của ơn gọi Bí tích Rửa tội của chúng ta và khuấy lên thành ngọn lửa những gì chúng ta đang lơ là. Hay, khơi lên một ngọn lửa mới đối với những thử thách chúng ta đang phải đối mặt vào lúc này trong cuộc đời chúng ta.
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp
Lm. Jude Siciliano, OP